Logo
Ngày 14/06/2019

Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ V

Sáng 23/4/2019, Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ V chính thức khai mạc tại Hà Nội. 
Sáng 23/4/2019, Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ V chính thức khai mạc tại Hà Nội. 

Tham dự khai mạc, về phía Bộ Y tế có PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, về phía Ban tổ chức có TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị; Khách quốc tế tới tham dự hội nghị có PGS.TS Ivana Gojo đến từ Đại học John Hopkins Mỹ và khoảng 300 đại biểu trong nước đến dự.
Các đại biểu tham dự khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Trong những năm qua, các nhà khoa học, các thầy cô đã hết sức nỗ lực để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào Việt Nam, trong đó có Tế bào gốc. Đây là vấn đề rất khoa học, nhạy cảm cần sự nghiên cứu chuyển giao và đánh giá kết quả. Tôi đánh giá cao Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần này.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị
Như chúng ta đã biết, từ những năm 50 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được coi là một bước đi đột phá, tạo ra cơ hội phát triển mới cho nền y học. Trong quá trình phát triển đó, công nghệ tiến bộ này đã được ứng dụng rộng rãi, có thể chữa trị được một số bệnh mà trước đây chưa làm được như: ghép tế bào gốc chữa các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh lý khác như: Cơ xương khớp, Thần kinh, Hô hấp, Tim mạch…
Khoảng 300 đại biểu đến tham dự Hội nghị lần này

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng, Trưởng ban tổ chức Hội nghị lần này chia sẻ: Hội nghị khoa học Tế bào gốc toàn quốc lần thứ V năm 2019 sẽ tiếp thêm cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhìn lại kết quả đạt được, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm quý báu, trao đổi các tiến bộ mới nhất, cũng như nhìn nhận rõ ràng hơn các thách thức trong nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc hiện nay để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tiếp cận và chinh phục lĩnh vực tế bào gốc trên mọi phương diện, khẳng định vị thế, tạo ra nhiều cơ hội phát triển và hợp tác trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô cũng như các sản phẩm từ tế bào gốc đã có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao. Hoạt động tế bào gốc tại nước ta đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, ngày càng hoàn thiện, đa dạng về kỹ thuật, phương pháp ghép cũng như nguồn tế bào gốc.
Kết quả bệnh nhân được ghép đã không ngừng được nâng cao về chất lượng và số lượng. Bên cạnh đó, việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường. 

Với sự phát triển đó, toàn quốc đã có 09 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu, số lượng các ca bệnh được tiến hành ghép tại các trung tâm không ngừng được tăng lên. 

Đến nay, cả nước ta đã thực hiện được trên 750 ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu thành công. Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ghép Tế bào gốc được triển khai từ năm 2006, đến nay đã tiến hành được trên 356 ca (trong đó ghép tự thân 200 ca, ghép đồng loài 156 ca, trong ghép đồng loài có 26 ca ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng) nhiều bệnh nhân đã ghép thành công và trở lại cuộc sống bình thường nhờ công nghệ này.



Công ty Cổ phần hợp tác quốc tế Việt - Hàn giới thiệu công nghệ chiết tách tế bào gốc từ mô mỡ, hãng Hurimbiocell - Hàn Quốc tại hội nghị
 

Các tin khác